Bối cảnh tác phẩm Biện chứng của tự nhiên

"Biện chứng của tự nhiên" được F. Engels viết trong giai đoạn 1870 đến 1882, nhưng chưa hoàn thành và không được xuất bản khi tác giả còn sống.[2]

Tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian ít năm sau sự kiện Công xã Paris. Lúc đó, giai cấp tư sản tích cực tấn công vào phong trào của giai cấp công nhân, tấn công vào chủ nghĩa Mác. Các nghiên cứu về khoa học tự nhiên bị xuyên tạc và lợi dụng để đả phá phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phủ nhận đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Nhiều học thuyết mang đậm tính duy tâm, siêu hình như "chủ nghĩa Darwin xã hội", "thuyết chiết nhiệt", chủ nghĩa duy tâm trong toán học, sinh học lúc đấy đang thịnh hành. Ngoài ra ở châu Âu lúc đấy còn thịnh hành tệ nạn đồng bóng, bói toán, mê tín dị đoan, và vào thập niên 1870 cũng xuất hiện chủ nghĩa cơ hội.[3]

Trong tình hình như vậy, tác phẩm "Biện chứng tự nhiên" được viết với các mục đích sau:[3]

  1. Tổng kết những thành tựu phát triển của khoa học tự nhiên lúc đó và xây dựng quan niệm của phép biện chứng duy vật về giới tự nhiên.
  2. Cung cấp cho khoa học tự nhiên phương pháp nhận thức khoa học, đó là phép biện chứng duy vật thay cho chủ nghĩa duy tâm và phép siêu hình đang chi phối khoa học tự nhiên lúc bấy giờ.
  3. Trình bày một cách biện chứng về thế giới mà khâu quan trọng là trình bày sự quá độ từ giới tự nhiên lên xã hội loài người.
  4. Phê phán những trào lưu tư tưởng duy tâm, siêu hình đang chi phối khoa học tự nhiên và đang công kích chủ nghĩa Marx.

Trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên", F. Engels đã phê phán xu hướng xa rời chủ nghĩa duy vật của những học thuyết đã nêu, trình bày sự liên hệ trực tiếp của những trào lưu triết học phản động đó với tình hình chính trị lúc bấy giờ và mục đích nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy nhiên tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên" đã không được hoàn thành. Vào năm 1876, Engels phải tạm dừng tác phẩm để tập trung viết bản luận chiến "chống Duhring". Sau đó, khi Karl Marx qua đời (1883), Engels phải tạm ngưng các công trình của riêng mình để tập trung chỉnh lý và biên soạn các di cảo của Marx, ví dụ tập 2 và tập 3 của Tư bản luận. Sau khi Engels mất, chỉ có hai bài Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người và Khoa học tự nhiên trong thế giới thần linh vào những năm 1896 và 1898. Những nhân sĩ trong Đảng Xã hội Dân chủ Đức như Eduard Berstein bị cho là không chịu sớm công bố toàn văn tác phẩm này, do bản thân Berstein chống đối lại chủ nghĩa Marx và theo thuyết Kant mới mà Engels phê phán. Mãi đến năm 1925, 3 thập kỷ sau khi Engels qua đời, tác phẩm mới được xuất bản ở Moskva bởi Viện Marx - Engels - Lenin.[2][3]